Đường link nấu ăn / các món ăn / món tráng miệng …. bla bla …..

1. Cao thủ trong  bếp:

http://khaitam.wordpress.com/

2. Dessert:

http://dessertstalking.com/

Đăng tải tại Đường link hay. | Bình luận về bài viết này

Ếch xào sả ớt.

Theo dự kiến ban đầu, món ếch xào sả ớt được làm món ăn có chất đạm cho bữa cơm trưa hàng ngày – nhưng khi làm xong thì thấy món này phục vụ cho những buổi nhậu nhẹt thì hợp hơn. Tuy nhiên, đôi khi cũng cần làm cho bữa ăn hàng ngày thành những bữa nhậu cho cuộc sống muôn màu nhỉ?

1. Nguyên liệu:

– Ếch: bao gồm cả da, phần đùi và thịt – từ 200-300gr (cái này là bốc thuốc ấy mà 🙂 )

– Xả, tỏi, nghệ, ớt , một ít lá thơm, gia vị …

2. Cách làm:

– Ếch làm sạch, chặt miếng vừa ăn. Phần da ếch bóp muối cho sạch nhớt, xiên phần da ếch đã làm sạch vào đầu đũa và hơ trên bếp than cho phần da phồng lên (kỹ thuật này giúp da ếch ăn giòn và không bị nhớt)

– Ướp ếch và da ếch với sả và tỏi băm nhỏ, một ít nghệ (để lấy mầu), một ít lá thơm, ớt (lần này có lọ tương ớt Đà Nẵng mà bạn Ice mua cho, chu choa: thơm, ngon và cay quá trời), một chút gia vị trong  thời gian khoảng 30′ cho ếch ngấm tất cả các gia vị.

– Phi thơm xả và tỏi băm nhỏ (mình không dám cho ớt vào phi thơm ở giai đoạn này vì đã ướp tương ớt quá tay 😦 )

– Cho ếch vào xào chín, để xả hơi cháy cạnh cho thơm là được.

3. Cảm quan: ếch thơm mùi xả, cay xe nồng (mê tương ớt Đà Nẵng quá đi thôi)  – trong những ngày hè này mà có thêm lon bia mát lạnh thì cũng tốn mồi ra phết đây.  Còn để làm món ăn với cơm trong những ngày đông chắc cũng ok nhỉ.

Đăng tải tại Bữa cơm hàng ngày | Bình luận về bài viết này

Ếch om cà tím.

Sáng nay đi chợ mua được mớ ếch ngon, đúng là ếch đồng luôn  (dù mình chẳng  có kinh nghiệm chọn gì cả, cứ tin tưởng vào chị bán hàng thôi), một phần làm món ếch xào sả ớt và một phần thử nghiệm món mới: ếch om cà tím.

1. Nguyên liệu:

-Ếch đồng: khoảng 200gr (bạn có thể điều chỉnh theo nhu cầu )

– Cà tím: 02 quả vừa

-Mẻ, hành lá, tía tô, tỏi, gia vị …

2. Cách làm:

– Ếch: làm sạch, lấy phần thân và đùi, chặt miếng nhỏ, ướp một chút gia vị .

– Cà tím thái miếng vừa ăn, ngâm nước muối loãng, vớt ra để ráo.

– Phi thơm tỏi và tía tô thái nhỏ cho dậy mùi, cho ếch vào xào săn. Tiếp đến xào cà tím, nêm ít gia vị và 1/2 bát nước mẻ . Khi cà chín tới thì cho tiếp ếch vào om cho cà chín mềm, ếch chín tơi thì cho tía tô và hành thái nhỏ.

– Món này ăn nóng với cơm hoặc bún.

3. Cảm quan: sáng nay nấu ăn món nào mình cũng nêm gia vị quá đà, món này cũng vậy. Nhưng về tổng thể cũng thấy ok, vị chua dịu nhẹ và dậy mùi của mẻ, kết hợp với mùi tía tô thoang thoảng làm cho món ăn mang đậm hương vị đồng quê. Duyệt. Bữa sau sẽ làm lại ngon hơn há.

 

Đăng tải tại Bữa cơm hàng ngày | Bình luận về bài viết này

Canh chua lươn.

Tiếp theo thành quả ấn tượng của món gà luộc nước dừa hôm thứ 7, ngày chủ nhật đi chợ mua được mấy con lươn nhỏ nhỏ (hy vọng là lươn đồng chứ không phải là hàng nuôi công nghiệp), làm món canh chua lươn.

1. Nguyên liệu:

– Lươn:  02 lạng (chọn con lươn bụng vàng,lưng đen thì là lươn béo???)

– Hoa chuối: một ít(đã được ngâm nước chanh cho bớt thâm, rửa sạch, vắt ráo nước)

– Sả, nghệ, ớt, hành, mùi tàu, mẻ / sấu/ quả dọc / me / giấm bỗng (lần này mình nấu bằng sấu)

2. Cách làm:

– Lươn cho ít muối để làm sạch nhớt. Tốt nhất nên lọc phần xương, chỉ dùng thịt lươn thôi nhé

– Ướp thịt lươn với một chút xả băm, nghệ, bột canh cho ngấm

– Cho một chút dầu ăn, cho sả vào phi thơm lên rồi đổ lươn vào xào chín, đổ nước + một ít sấu, và đun sôi (để ngọt nước, bạn có thể giã xương lươn lọc lấy nước nấu canh / hoặc đun xương cùng với thịt lươn)

– Nồi canh sôi, thả hoa chuối  – (độ giòn / mềm của hoa chuối tự quyết định nhé), tắt bếp cho ít hành và mùi tàu thái chỉ vào cho thơm, nếu muốn ăn chua chua cay cay bạn có thể cho thêm 1-2 lát ớt.

3. Nhận xét: món canh này thơm mùi sả, mùi tàu rất dễ chịu (nếu nấu bằng mẻ có lẽ mới đúng điệu của món này). Canh có vị ngọt thanh, không tanh, cái sần sật của hoa chuối cũng rất quyến rũ, lươn chín mềm vừa phải. Một món canh cho mùa hè với vị chua dìu dịu đưa cơm, cho mùa đông nếu bạn thêm vài lát ớt cay nồng.

Đăng tải tại Bữa cơm hàng ngày | Bình luận về bài viết này

Gà luộc nước dừa.

Dạo này những rắc rối trong cuộc sống làm mình nhận ra một điều: mình ảo tưởng quá nhiều, luôn nghĩ mình cái gì cũng làm được, mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát của bản thân. Quả thật là ngu ngốc.

Chuyện đi chợ và nấu ăn cũng là một phần của sự thật đó: hôm nay đi chợ muộn, không thể nghĩ ra món gì để ăn, cứ vòng quanh chợ mà cái cần mua  thì chẳng mua, cái không cần mua thì cứ mua.

Quay lại chuyện luộc gà nhé. Mình tích trữ khá nhiều cách luộc gà, mấy hôm nay đang sắp xếp lại bản thân, trong đó có việc học nấu ăn và kế hoạch mua lò nướng về làm bánh. Có một mẹ trên WTT giới thiệu cách luộc gà bằng nước dừa và nấu cơm bằng nước luộc gà rất hấp dẫn – thứ 7 quyết tâm làm theo. Nhưng cuối cùng chỉ thử nghiệm luộc gà, không dám thử nghiệm nấu cơm gà – nhưng cũng được kết quả rất khả quan.

1.Nguyên liệu:

– 01 con gà ri (gà mái) – túm cái váy lại là phải mua được con gà ngon

– 01 quả dừa xiêm để lấy nước (nên thử nước dừa trước nhé, để đảm bảo nước dừa không bị chua)

– hành khô, bột canh, sả, ớt, chanh…

2. Thực hiện:

– Gà làm sạch (nhà có 3 người, mình chỉ lấy 02 đùi, thân gà; còn cổ cánh để riêng, chặt ra để làm nước dùng )

– Phi thơm hành khô, đổ nước dừa đun sôi lên

– Chế thêm một ít nước đủ ngập con gà, cho gà vào luộc + một ít muối /bột canh (tip: phải canh khi nước sôi là vặn nhỏ lửa, để sôi 7 phút thì lật trở mình cho  gà và thấm đều nước dừa, để sôi tiếp 7 phút thì tắt bếp. Chờ khoảng 20 phút thì mới vớt gà ra)

– Phần nước luộc gà dùng nấu canh bí: kết quả, tuyệt cú mèo .  Thơm, ngọt dịu vừa phải, và rất khác biệt.

– Ăn gà chấm muối chanh ớt hoặc muối sả cũng rất hay (sả cây băm nhỏ, trộn với muối hột+ ớt trái)

3. Nhận xét:  đối với món gà luộc mình thấy thịt gà thơm hơn, ngọt, mềm (cũng có thể là do bạn gà mái ta nhưng vẫn bị nuôi công nghiệp, nên không thể chắc thịt như bạn gà thả đồi / gà quê thực thụ..). Nhưng phần nước luộc gà nấu canh bí thì thật sự ấn tượng. Có lẽ từ bây giờ luộc gà mình phải mất thêm 18k mua quả dừa xiêm, để lấy nước luộc gà roài.

Đăng tải tại Bữa cơm hàng ngày | Bình luận về bài viết này

Kiến thức để sống khỏe.

Tiếp theo bài  ” Bác sỹ tốt nhất là bản thân mình”, bài sưu tầm này sẽ nói cụ thể hơn về yếu tố để sống khỏe : ăn uống cân bằng, vận động có oxy, và trạng thái tâm lý.

1. Ăn uống cân bằng : những điều cần biết về những thứ ta uống và những thứ ta ăn.

a. Uống : 06 loại đồ uống bảo vệ sức khỏe

– Trà xanh: trong trà  xanh có chất chống ung thư. Người trên 40 tuổi chẳng có ai không có tế bào ung thư trong cơ thể.  Nếu mối ngày uống 04 cốc trà xanh thì tế bào ung thư không chia cắt, mà dù có chia cắt thì cũng muộn lại 9 năm trở lên.  Ngoài ra, trong trà xanh có chất flour làm bền răng, chữa được sâu răng, diệt vi khuẩn. Thứ 3, ở trà  xanh có chất trà cam ninh, chất này nâng cao độ bền huyết quản, khiến huyết quản khó vỡ, hạn chế bệnh xuất huyết não khi về già.

– Rượu vang đỏ: vốn là trên vỏ quả nho có chất nghịch chuyển thuần (cồn chuyển ngược) có tác dụng chống suy lão, còn là thuốc chống oxy hóa. Người hay uống vang đỏ thì ít mắc bệnh tim, phòng ngừa tim đột nhiên ngừng đập.Rượu vang đỏ có tác dụng hạ huyết áp, hạ mỡ trong máu.  Tuy nhiên phải đảm bảo rượu vang nho mỗi ngày không quá 50-100cc, rượu trắng mỗi ngày không quá 5-10cc, bia mỗi ngày không quá 300cc.

(Tim ngừng đập: một là có bệnh tim, hai là tăng huyết áp, ba là mỡ máu cao.  )

– Sữa đậu nành: đậu nành  là vua của các loại đậu. Trong đậu nành có ít nhất 5 chất chốn ung thư, đặc biệt là di hoàng đồng -chất này có thể phòng và chữa ung thư tuyến vú, ung thư trực tràng và ung thư kết tràng. Đối với người da vàng, thích hợp nhất là sữa đậu nành (sữa bò tốt nhưng trong sữa bò có nhiều nhũ đường, mà 70% người châu Á da vàng không hấp thu được chất nhũ đường)

– Sữa chua: vì sữa chua duy trì vi khuẩn, vi khuẩn có ích thì sinh trưởng, vi khuẩn có hại thì tiêu diệt, nên ăn sữa chua hàng ngày thì ít mắc bệnh.

– Canh xương: trong canh xương có chất uyển giao (một chất keo), uyển giao kéo dài tuổi thọ.

– Canh nấm: vì canh nấm có thể nâng cao công năng miễn dịch.

b. Ăn:

-Trong các loại cốc, trước tiên phải nói đến ngô (gọi là cây vàng). Trong ngô già có chứa nhiều noãn lân chi, á du toan, cốc vật thuần , VE, cho nên không xảy ra tăng huyết áp và xơ vữa động mạch.

– Kiều mạch (oats) : là 03 hạ – hạ huyết áp, hạ mỡ máu, hạ đường máu.

– Khoai: khoai lang trắng/ đỏ. củ từ, khoai tây. Vì chúng có 03 hấp thu: hấp thu nước, hấp thu mỡ và hấp thu đường.

– Yến mạch: nếu bị tăng huyết áp, nhất định phải ăn yến mạch vì nó giúp hạ huyết áp, hạ mỡ máu.

– Kê (millet): có thể trừ thấp, kiện tỳ, trấn tĩnh, an miên (ngủ yên). Người ta ngủ được nhờ ăn kê.

– Đậu : các loại đậu , đặc biệt là đậu nành.

– Rau:

+ Cà rốt: là loại rau dưỡng mắt, là thứ rau làm đẹp da

+ Bí đỏ: kích thích tế bào tụy , sản sinh insulin, nên người thường xuyên ăn bí đỏ ít mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, mướp đắng cũng giúp tiết ra insulin, ăn thường xuyên cũng giúp ít mắc bệnh tiểu đường.

+ Cà chua: ăn cà chua không mắc ung thư, tuy nhiên nên ăn cà chua sau khi nấu, khi đó chất chất lycopene trong cà chua mới phát huy tác dụng.

+ Tỏi: vua chống ung thư. Ăn tỏi như thế nào? trước hết phải thái nhánh tỏi từng lát, để trong không khí khoảng 15 phút , sau khi nó kết hợp với dưỡng khí mới sinh ra chất tỏi (đại toán tố). Ăn sống lúc này là tốt nhất.

+ Mộc nhĩ đen: có tác dụng khiến máu không đông đặc lại.

+ Rong biển: cần ăn hàng ngày.

Lưu ý khi ăn lạc lưu ý không ăn vỏ, vỏ lạc không có chất dinh dưỡng, chỉ có thể trị huyết ngưng phiến, dùng cầm máu.

+ Phấn hoa: phấn hoa phải qua xử lý , tiêu độc và thoát mẫn thì mới dùng được. Phấn hoa có tên gọi là cảnh sát đường ruột, làm đẹp khỏe mạnh, duy trì hình thể.

– Thức ăn động vật: ăn động vật 4 chân không bằng ăn con 2 chân, mà ăn con 2 chân không bằng ăn con nhiều chân.

Nếu  trong bữa ăn có cả thịt lợn và dê thì ăn thịt dê, có thịt dê và thịt gà thì ăn thịt gà, có gà và cá thì ăn cá, có cá và tôm thì ăn tôm. Động vật càng nhỏ thì protein càng tốt.

Nguyên tắc ăn: ăn no 7 / 10 thì suốt đời không đau dạ dày, ăn 8 /10 là tối đa, ăn 10/10 thì 2/10 kia là vô ích.

Tỷ lệ vàng: lương thực phụ 6, lương thực chính 4. Lương thực thô 6, lương thực tinh 4. Thực vật 6, động vật 4.

2. Vận động có oxy.

– Đừng tập luyện quá sớm: ăn xong 45′ sau mới vận động.

– Thời gian dậy mà quốc tế quy định là 6h sáng, thời gian mở cửa sổ buổi sáng là 9-11h, buổi chiều là 2-4h.

– Thời gian ngủ: từ 10h-10h30 tối, thời gian ngủ sâu nhất là từ 12h đến 03h sáng.

– Trước khi ngủ nên tắm nước nóng 40-50 độ, như vậy chất lượng giấc ngủ cao.

3. Trạng thái tâm lý: 05 phương pháp tránh tức giận

– Một là tránh đi;

– Hai là chuyển đi: Người ta chửi anh thì anh đi đánh cờ, câu cá, không nghe thấy;

– Ba là thả ra: đi tìm bạn tri âm để nói chuyện, giải tỏa hết, nếu không để bụng sẽ sinh bệnh;

– Bốn là thăng hoa: người ta càng nói anh càng ra sức làm;

– Năm là khống chế: tức là dù bị chửi thế nào cũng không sợ. Nhịn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao.

Cái lý khó giảng thì nên dừng; con người khó đối xử thì nên xử hậu, việc khó xử thì nên làm thong thả, công việc khó thành thì nên khôn khéo.

Lúc đáng khóc thì khóc, lúc đáng cười thì cười.

Nguồn: (st)

Đăng tải tại Chăm sóc sức khỏe | Bình luận về bài viết này

Bác sỹ tốt nhất là bản thân mình!

Bác sỹ tốt nhất là bản thân mình; tâm tình tốt nhất là yên tĩnh; vận động tốt nhất là là đi bộ; đạm bạc, yên tĩnh là sống tốt hơn dùng thuốc!

Hãy quên đi quá khứ; không chú ý đến hiện tại; hưởng thụ hết ngày hôm nay; hướng vọng về ngày mai tươi đẹp!

Để hiểu được những điều đó, mình đã phải học rất chậm, với những cái giá cả về mặt sức khỏe, tâm tính, thời gian và những cơ hội không bao giờ trở lại. Căn bệnh đáng sợ nhất có lẽ là sự hối tiếc, vậy hãy học và thay đổi đi nhé .

1. Tuân thủ quy tắc ” 3 cái 1/2 phút và 3 cái 1/2 giờ”

– 3 cái 1/2 phút : ban đêm,  khi bỏ chân xuống giường, cần phải chờ 1/2 phút mới từ từ đứng giậy để đi vệ sinh.

– 3 cái 1/2 giờ: sáng ngủ dậy tập thái cực quyền / dưỡng sinh 1/2 giờ; trưa nằm ngủ 1/2 giờ; buổi tối dành 1/2 giờ đi bộ nhẹ nhàng để có một giấc ngủ ngon.

2. Thức ăn phù hợp, vận động vừa sức, bỏ thuốc, bớt rượu, cân bằng tâm trạng.

– Thức ăn phù hợp: cần tuân thủ 02 câu 10 chữ

+ Câu thứ nhất: 1,2,3,4,5

* Thế nào là 1? Mỗi ngày uống 1 túi sữa 100-200ml

* Thế nào là 2? Mỗi ngày chỉ ăn 200g chất bột. Một cách đơn giản là uống canh trước khi ăn thì dáng người thon thả, nhanh nhẹn và khỏe mạnh.

* Thế nào là 3?Chỉ ăn 3 phần albimin (chất do thịt và trứng cung cấp, nên hạn chế ăn bằng 1/3 lượng bình thường). Cá là loại thức ăn tốt nhất cho người cao tuổi, đặc biệt là nữ giới. Ngoài cá, đậu tương và các chế phẩm của nó cần chú trọng, có thể thay thế cho việc dùng thịt và trứng của động vật.

* Thế nào là 4? Đó là 4 câu 4 chữ sau ” có thô có mềm, không ngọt không mặn, ngày 4-5 bữa ăn, ăn vừa 70-80% . Cụ thể là ăn cơm gạo lức, ngô bung, khoai lang luộc, mỗi tuần 1-2 bữa cháo loãng. Nên ăn thêm 1-2 bữa phụ hàng ngày, không ăn no đến 100% hoặc quá no.

* Thế nào là 5? Mỗi ngày ăn chừng 500g rau xanh và quả chín.

+ Câu thứ 2: đỏ, vàng, xanh, trắng , đen.

* Đỏ là gì? tức là mỗi ngày ăn sống một quả cà chua chín, đặc biệt là nam giới (quy tắc này mình điều chỉnh bằng quy tắc ăn 02 bữa có sốt cà chua  1 tuần, mỗi bữa khoảng 05 thìa sốt), bởi chỉ cần 1 quả cà chua một ngày có thể phòng tránh gần 1/2 bệnh tiền liệt tuyến (viêm hoặc ung thư) Khoai lang đỏ có tác dụng tương tự . Ngoài ra, rượu vang đỏ, rượu nếp cẩm (có màu tím đỏ) dùng mỗi ngày từ 50-100ml có thể phòng chống bệnh xơ cứng động mạch. Nếu ai có tính trầm mặc hay phiền muộn thì nên ăn 1 quả ớt chín đỏ mỗi ngày cũng rất tốt (nhưng không nên ăn ớt quá cay)

* Vàng là gì? Là nên ăn củ màu vàng, bổ sung vitamin A và canxi. Vitamin A có nhiều trong cà rốt, dưa hấu, khoai lang đỏ, bí ngô, ngô hạt, ơt màu đỏ /vàng, gấc, đu đủ, chuối tiêu, rau dền đỏ, củ cải đỏ..

* Xanh nghĩa là gì? Là  chè xanh, nếu là chè xanh tươi thì càng tốt nhưng đừng uống quá nhiều, quá đậm đặc.

* Trắng nghĩa là gì? Là bột yến mạch – dùng nấu cháo hàng ngày / làm bánh …

* Đen là gì? Là mộc nhĩ đen, mỗi ngày 5-10g giúp làm tan mỡ và cặn bã trong máu, làm cho máu lưu thông dễ dàng trong động mạch, cho nên phòng và chữa được nhiều bệnh nan y về tim mạch. Ngoài ra, đậu đen, vừng đen, nếp cẩm tím, quả táo mầu đen … cũng đều là thức ăn bổ dưỡng, nên dùng thường xuyên.

Vận động vừa sức : ánh nắng mặt trời, không khí, nước, và sự vận động là nguồn gốc của sự sống và của sức khỏe.

” Anh muốn khỏe mạnh, anh hãy chạy và đi bộ . Anh muốn thông minh, anh hãy chạy và đi bộ. Anh muốn hình dáng đẹp, hãy tập chạy và đi bộ”

Vậy đi bộ thế nào là tốt nhất? Có thể gói gọn trong 03 chữ: 3,5,7.

* Thế nào là 3? Là mỗi lần đi bộ phải trên 3km,  thời gian tập trên 30 phút.

* Thế nào là 5? Là mỗi tuần ít nhất phải đi bộ 5 lần.

* Thế nào là 7? Là thước đo liều lượng đi bộ vừa sức, nếu quá sẽ có hại. Cách đo là nhịp tim đập sau khi đi bộ cộng với số tuổi phải bằng con số 170. (VD: bạn 30 tuổi thì nhịp đạp của tim bạn sau khi tập là 140 thì vừa nhất, nếu quá 140 thì là tập quá sức,  dưới 140 là chưa đủ liều lượng, cần tăng thêm thời gian/khoảng cách hoặc đi với tốc độ nhanh hơn)

– Cân bằng tâm trạng:

+ hãy quên đi quá khứ;

+ không nên câu nệ hiện tại;

+ tận hưởng cái sung sướng có được ngày hôm nay;

+ nhìn tương lai bằng con mắt lạc quan yêu đời.

Cần giữ cho mình 03 trạng thái vui vẻ chân chính: đó là vui vì được giúp người khác; vui vì mình đạt được sự hiểu biết như hôm nay; vui vì mình được đãi ngộ vật chất và tinh thần như hôm nay.

Chính mình là bác sỹ tốt nhất cho mình. Thời gian là thuốc trị bệnh tốt nhất. Điều kiện tốt nhất cho sức khỏe là tâm trạng yên tĩnh. Các vận động tốt nhất là đi bộ hàng ngày.

1 trung tâm : Sức khỏe là trung tâm

2 điều cơ bản: Điều cơ bản 1 là đối với việc nhỏ cần phải mơ hồ một chút (nghĩa là một chút phớt lờ, đại khái , bỏ qua những việc nhỏ nhặt, nhưng lại rất tỉnh táo trước những việc lớn) . Điều cơ bản 2 là duy trì thái độ rộng lượng, thoải mái, tự nhiên với mọi người, mọi việc (tránh hẹp hòi, giả dối, khách sáo, gò bó)

3 tác phong lớn là lấy việc giúp người làm vui, lấy việc hiểu biết làm vui, vừa lòng với điều kiện sống hiện có.

4 thứ tốt nhất : bác sỹ tốt nhất là chính mình, thuốc tốt nhất là thời gian, tâm tính tốt nhất là yên tĩnh, vận động tốt nhất là đi bộ.

Nguồn: (st)

Đăng tải tại Chăm sóc sức khỏe | Bình luận về bài viết này

Bài massage xoa mặt buổi sáng!

Những rắc rối trong công việc và xáo trộn trong con tim mình dường như đã qua giai đoạn cao trào, mọi việc cầu trời đang dần được giải quyết. Thế nhưng mình nhận ra mình đang trốn tránh những vấn đề của mình quá lâu, đột nhiên nhận ra mình thiếu rất nhiều kỹ năng trong cuộc sống – mà trước hết đó là khả năng chịu được stress trong công việc và cuộc sống. Hãy cố  gắng lên Loa nhé, phải tin rằng ngày mai là một ngày mới. Và mỗi ngày thức dậy phải dẹp bỏ những lo lắng, chán nản mà bắt đầu một ngày mới bằng bài massage này . Trước hết vì  sức khỏe của bạn đã.

Xoa mặt buổi sáng có bốn tác dụng cơ bản sau:

– giúp khí huyết lưu thông toàn bộ cơ thể;

– da dẻ mịn màng, đẹp đẽ;

-làm tiêu nám, mụn trên da mặt;

– giúp mắt tinh, tai thính, tỉnh táo, dễ chịu.

Bài massage buổi sáng này rất đơn giản và dễ thực hiện. Có 08 động tác, mỗi động tác xoa từ nửa phút đến 01 phút (từ 30 -60 lần) . Sáng sớm vừa ngủ dậy, trước khi xuống giường, bạn xoa hai tay cho nóng rồi làm 08 động  tác sau:

1.  Xoa hai ổ mắt: úp hai cườm tay lên hai ổ mắt (tay chạm xung quanh mắt, gờ xương, không đè mạnh vào mắt) xoa vòng quanh mắt cho đủ 30 lần.

Công dụng: làm cho mắt tinh và sáng, khai thông khí huyết, đỡ mệt mỏi, nhức tê hai tay.

2. Xoa mũi: đặt 2 ngón tay trỏ miết vào 2 cánh mũi lên tới cạnh mắt 30 lần. Sau đó chập 2 ngón tay cái và trỏ vuốt từ trên sống mũi xuống 30 lần.

Công dụng: làm cuống phổi, cuống họng, lá mía, sống lưng, mông, háng khỏe lên. Đặc biệt động tác vuốt ngược từ 2 cánh mũi lên mắt còn chữa được bệnh sa tử cung của phụ nữ, có tác dụng cường dương đối với nam giới.

3. Xoa má: dùng 2 tay xoa toàn bộ má mỗi bên 30 lần (xoa từ dưới lên???)

Công dụng: làm cho toàn bộ xương sườn, cánh lưng, thần kinh sườn, hai lá phổi, gan, mật, dạ dày được thông thoáng.

4. Xoa tai: dùng 2 ngón tay cái để sau 2 tai, các ngón còn lại để ở phía trước tai rồi xoa vành tai và toàn bộ tai mỗi bên 30 lần.

Công dụng: trị ù tai, điếc tai… ngoài ra còn trị được nhiều bệnh ngoại vi và nội tạng của cơ thể.

5. Xoa trán: úp bàn tay xoa  toàn bộ trán, mỗi tay xoa 30 lần.

Công dụng: chữa các bệnh thuộc lục phủ ngũ tạng.

6. Xoa miệng, cằm: dùng cả bàn tay xoa toàn bộ miệng, cằm, mỗi tay xoa 30 lần.

Công dụng: chữa các bệnh thuộc lục phủ ngũ tạng.

7. Cào trên đầu: lấy 10 đầu ngón tay của 2 bàn tay cào từ trước đầu ra sau, xong từ đỉnh tai kéo ra sau gáy 30-60 lần.

Công dụng: giúp máu lưu thông lên não, chữa đau mỏi toàn thân, tốt cho hệ thần kinh não bộ, đặc biệt đối với chân tay người bị liệt.

8. Xoa sau gáy: dùng cả bàn tay xoa sau gáy, mỗi tay xoa 30 lần.

Công dụng: tăng sức chịu đựng của toàn bộ cơ thể.

Chú ý: sau khi thực hiện bài massage 08 động tác này, khoảng 05 phút nên rửa mặt bằng khăn bông nhúng nước ấm, rồi dùng khăn chà kỹ mặt, cổ, gáy, nếu nguội có thể nhúng tiếp nước ấm. Đây là động tác bổ sung cho cách xoa mặt bằng tay nói trên để đạt hiệu quả tốt hơn.

Nguồn: (st)

Đăng tải tại Làm đẹp | Bình luận về bài viết này

Dinh dưỡng từ các loại hạt

1. Hạt dưa: Hạt dưa chứa nhiều chất dinh dưỡng như protid, glucid, lipid, vitamin B1, B2, E, PP, calci, sắt, kẽm, phốt pho, selen… Trong đó, protid của hạt dưa là chất đạm không thể thiếu trong thần kinh, xương khớp. Ăn hạt dưa giúp tăng cường trí nhớ; chất béo trong hạt dưa phần nhiều là acid béo không bão hòa. Nếu thường xuyên ăn hạt dưa sẽ giúp ích trong việc phòng ngừa xơ cứng động mạch, bệnh mạch vành, chứng cao mỡ máu…

Theo đông y, hạt dưa hấu có vị ngọt, tính mát khi chưa rang chín; sau khi rang chín có tính bình, tác dụng hạ nhiệt, lợi tiểu, hạ huyết áp, tăng cường sinh lực. Nếu dùng chữa bệnh thì hạt dưa luộc tốt hơn hạt dưa rang.

2. Hạt bí ngô: toàn bộ quả bí ngô đều rất tốt cho sức khỏe, trong đó hạt bí ngô chứa một lượng khoáng chất dồi dào như kali, sắt, phốt pho… Hạt bí ngô  có tác dụng bảo vệ xương, chống viêm trong bệnh thấp khớp, giảm mỡ máu và trị giun sán; phòng ngừa và điều trị chứng rối loạn lipid máu, làm chậm tiến triển chứng xư cứng động mạch. Trong một số nghiên cứu, chiết xuất từ hạt bí có thể giúp cải thiện chức năng bàng quang, bảo vệ tuyến tiền liệt, điều trị trầm cảm, ngừa loãng xương, sỏi thận… 50g hạt bí cung cấp 1/3 nhu cầu kẽm của cơ thể. có tác dụng làm tăng tỷ trọng khoáng chất cho xương, đặc biệt là đối với nhóm đàn ông trung niên. Hạt bí giúp giảm viêm mà không gây tác dụng phụ như các loại thuốc kháng viêm khác.

3. Hạt hướng dương: Hạt hướng dương  có giá trị dinh dưỡng cao, chứa chất béo, protein, caroten, canxi, sắt, phốt pho, và nhiều loại vitamin. Ăn mỗi ngày một nắm hạt hướng dương sẽ giúp tăng cường trí nhớ, ngăn ngừa lão hóa, giúp bạn duy trì sức khỏe và tuổi thanh xuân. Ngoài chức năng góp phần phòng ngừa các bệnh mỡ trong máu, hạt hướng dương được khuyến khích sử dụng để làm giảm cholesterol, ngăn ngừa bệnh ung thư.

Trong y học dân tộc, hạt hướng dương được sử dụng như liệu pháp thảo dược điều trị chứng rối loạn gan và loét dạ dày. Chứng cũng phòng ngừa các vấn đề sức khỏe như viêm khớp, bệnh tim và nhiều bệnh khác. Trong một nửa  cốc hạt hướng dương có thể cung cấp 7g chất xơ, 15g protein và chất béo thực vật có lợi cho cơ thể. Trong hạt hướng dương, nhiều nhất là vitamin E, không chỉ giúp cho việc làm đẹp mà còn ngăn ngừa quá trình lão hóa da.

4. Hạt dẻ: Hạt dẻ được xem là vũ khí ngăn ngừa bệnh tiểu đường, phòng chống bệnh ung thư phổi và các bệnh về tim mạch. Hạt dẻ chưa hàm lượng lớn vitamin B6 nên giúp hỗ trợ chữa các bệnh viêm da, thúc đẩy quá trình chuyển hóa protein. Hạt dẻ rất giàu tinh bột, vì vậy sẽ cung cấp nhiều năng lượng hơn cho cơ thể. Hạt dẻ chứa đựng thành phần dinh dưỡng hoàn hảo, là hạt duy nhất chứa vitamin C.

5. Hạt điều: Theo đông y, hạt điều có vị ngọt, bùi, tính ẩm, tác dụng bổ dưỡng, làm dịu, trừ đàm, rất tốt cho người suy nhược cơ thể, đau họng, ho do phong đàm, nhiều đàm. Như vậy, hạt điều là một sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế. Hạt điều tuy không nhiều chất béo bằng các loại hạt khác nhưng nó chứa chất chống oxy hóa hàng đầu là axit béo omega-3, omega-6. Hạt điều rất giàu kali, sắt, magie, kẽm và các loại khoáng chất, một số men có ích giúp kích thích các vi sinh vật có lợi cho đường ruột phát triển, duy trì nguồn năng lượng cho cơ thể luôn dồi dào, giữ cho đường ruột luôn khỏe mạnh và giải quyết chứng táo bón.

Lưu ý: có một số trường hợp cơ thể người dị ứng với các loại hạt. Khi có các triệu chứng bất thường như ngứa cổ, sưng môi, nổi chấm đỏ trên người … nên kiêng ăn

(nguồn: bài của NamTrung / BáoThanh Niên ngày 17.12.2010)

Đăng tải tại Làm đẹp | Bình luận về bài viết này

Các bài thuốc với hạt gấc!

Đang vào mùa gấc rồi, mình đang tích trữ gấc càng nhiều càng tốt để  dùng dần. Và đây là một số công dụng không ngờ tới của hạt gấc (bài viết trên trang nhantrachoc.net.vn)

Hạt gấc có tác dụng ngang mật gấu, đặc biệt trong điều trị tắc sữa ở phụ nữ đang cho con bú, làm đen tóc, chữa sưng, đau khớp.

1. Chữa viêm tuyến vú, sưng tấy: phụ nữ sau khi sinh đẻ dễ bị sưng, viêm tuyến vú dẫn đến tắc sữa, đau nhức, dùng hạt gấc cho hiệu quả rất nhanh. Lấy 100g hạt gấc, bỏ lớp vỏ đen cứng, lấy nhân mài vào vành tròn ở bát, đĩa; cho nửa thìa cà phê rượu vào sẽ được một thứ hồ màu trắng, quánh. Sau đó bôi dung dịch vào vú đã sưng, làm như vậy sau 03 lần sẽ khỏi.

2.  Chữa sưng, đau khớp: lấy khoảng 200g hạt gấc đã phơi khô, mài sạch lớp màng. chặt làm đôi, ba ngâm với 400ml rượu trắng. Nếu nướng được hạt gấc bằng cặp nướng chả, rồi cho vào cối giã nhỏ, ngâm rượu sẽ tốt hơn và dùng được ngay. Ngâm càng lâu càng có tác dụng. Khi nào bị đau, đặc biệt là người già nhức tay chân bôi lên, xop bóp đều.

3. Làm đen tóc: lấy toàn bộ hạt gấc trong quả, cho 05 thìa đường, đung cách thủy rồi ăn hết các màng ở hạt. Cứ 01 tuần làm như vậy một lần, trong vòng 03 tháng tóc sẽ mượt, đen và da trắng hồng.

4. Chữa trĩ: dùng 100g hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, gói bằng vải, đắp lên hậu môn để suốt đêm. Mỗi đêm đắp thuốc một lần. Làm như vậy khoảng 01 tháng sẽ thấy búi trĩ thụt dần vào trong.

5. Chữa chai chân: lấy hạt gấc, giữ cả màng hạt, giã nát, thêm một ít rượu trắng, bọc trong một túi nylon. Dán kín miệng túi, khoét một lỗ nhỏ rộng gần bằng chỗ chai chân, buộc vào nơi tổn thương, 2 ngày thay thuốc một lần. Băng liên tục cho đến khi chỗ chai chân rụng ra (khoảng 5-7 ngày sẽ có kết quả).

Đăng tải tại Chăm sóc sức khỏe | Bình luận về bài viết này